Cần tạo điều kiện để người dân mua nhà để kích thích kinh tế

Chủ tịch Tập đoàn Hưng Thịnh, Nguyễn Đình Trung nhận định mua nhà là khởi điểm, động lực quan trọng để kích thích cung cầu hàng hóa, hồi phục kinh tế sau dịch.

Covid-19 khiến cả cung và cầu bất động sản gián đoạn trong những tháng đầu năm 2020. Đặc biệt khi cả nước bước vào giai đoạn giãn cách xã hội, mọi hoạt động giao dịch, mua bán tập trung  gần như đình trệ, trong đó bất động sản nghỉ dưỡng chịu nhiều thiệt hại nặng nề nhất khi ngành du lịch tê liệt.

Trước sự ảnh hưởng của “ cơn bão” Covid-19, thị trường vẫn đang đối diện với những thách thức hiện hữu như siết tín dụng bất động sản, tiết thủ tục cấp phép đầu tư xây dựng, tồn kho hàng cao cấp nhưng nguồn cung nhà giá rẻ lại thiếu hụt… Tác động “kép” gây ra hàng loạt bài toán khó đối với cả doanh nghiệp lẫn người mua nhà để ở và đầu tư.

Sở hữu danh mục đầu tư gồm 100 dự án với quỹ đất trên 4.500 ha. Tp đoàn Hưng Thịnh không nằm ngoài dòng xoáy chung của thị trường. Ông Nguyễn  Đình Trung – Chủ tịch Tập đoàn Hưng Thịnh chia sẻ với VnExpress cách thức doanh nghiệp này vượt khó và những kiến nghị giúp thị trường bước qua giai đoạn đầy thách thức.

Từ góc độ chủ doanh nghiệp đang sở hữu 100 dự án bất động sản mọi phân khúc, ông quan sát thị trường đang diễn biến như thế nào?

Thị trường nói chung khá trầm lắng, nhưng từng doanh nghiệp thì có cách ứng phó riêng, cho nên tác động lên mỗi đơn vị lại khác nhau. Tôi cho rằng tâm lý thị trường không quá nhiều tiêu cực như chúng ta nghĩ. Trước hết do thời gian giãn cách  xã hội của Việt Nam không quá dài, công tác kiểm soát dịch hiệu quả. Tình hình chống dịch khả quan đang tiếp thêm sự lạc quan, tinh thần phấn khởi và hướng về tương lai của người dân. Điều đó phần nào giúp thị trường bất động sản có cơ sở để tin vào sự hồi phục trong thời gian tới.

Một số quan điểm cho rằng giá bất động sản sẽ cao hơn trước Covid-19. Tôi không nghĩ vậy. Biến cố đang “ đánh” trực tiếp vào túi tiền của người dân. Người mua đang ít tiền đi. Do đó họ sẽ cẩn trọng hơn, nhu cầu cũng sẽ bám vào những mặt hàng thiết yếu, cần thiết và giá trị nhất. Và đối với bất động sản, họ cũng sẽ chọn những dự án có giá trị thực sự với mức giá phù hợp của chủ đầu tư có bề dày kinh nghiệm, có dự án đối chứng.

Hoạt động của Hưng Thịnh chịu ảnh hưởng thế nào từ đại dịch thời gian qua thưa ông?

Khó khăn của chúng tôi là khó khăn chung của thị trường và của cả nền kinh tế. Mới đây chúng tôi rất gần 100 triệu USD vào một dự án bất động sản nghỉ dưỡng quy mô lớn hàng đầu cả nước tại Quy Nhơn, dự định đầu tư mạnh trong năm nay. Đột ngột Covid-19 ập đến khiến mọi thứ gần như ngưng trệ, ai nấy đều lo lắng. Tập đoàn cũng nhanh chóng ra quyết định đưa dự án vào trạng thái “chờ” để triển khai trở lại khi mọi thứ thuận lợi.

Những tháng qua, chúng tôi ngày nào cũng luôn theo dõi sát thông tin về Covid-19 để đưa ra những quyết sách kịp thời. Những quyết định nhanh gọn này đã giúp Hưng Thịnh kịp thời tái cấu trúc. Chỉ trong một tháng mà hiệu suất làm việc của đội ngũ bằng 5 tháng thông thường. Đến nay, về cơ bản Tập đoàn đã vượt qua khó khăn bằng nhiều biện pháp.

Cụ thể đó là những biện pháp gì?

Trước hết tôi tri an toàn đội ngũ cán bộ nhân viên Hưng Thịnh. Các bạn rất đồng lòng. Chúng tôi  chưa hề thông báo giảm lương nhân viên nhưng mọi người tự đề xuất, sẵn sàng nhận lương thấp hơn. Ví dụ có một bộ phận lương thấp, Tập đoàn hỗ trợ nhưng cán bộ nhân viên không nhận, nhường lại cho ai khó khăn hơn; bộ phận lãnh đạo chia sẻ lương lại cho cán bộ nhân viên cấp dưới… Với Hưng Thịnh, dù trong gian nan nhưng chúng tôi luôn có niềm tin mình sẽ sớm vượt qua và vì thế chúng tôi sẵn sàng chia sẻ cùng nhau. Đó chính là nét văn hóa đặc trưng của tập đoàn.

Khi dịch bệnh khiến các hoạt động offline đình trệ, chúng tôi tăng cường làm việc online. Tưởng khó khăn nhưng hóa lại hiệu quả. Dù có cả trăm người tham gia nhưng tất cả phải lắng nghe từng ý kiến một. Việc này tạo cơ hội để chúng ta lắng lại, nghe người khác nói và thấu hiểu trước khi mình cất tiếng nói. Chiều ngược lại, chúng tôi cũng nói vui với nhau là họp online không phải nhìn mặt sếp, mọi người cứ phát ngôn thoải mái. Kết quả là đội ngũ chia sẻ cởi mở hơn, tương tác hiệu quả hơn.

Đó là quản trị nội bộ, còn chiến lược kinh doanh thay đổi ra sao?

Tập đoàn phải tính toán lại sản phẩm gì đang gặp ảnh hưởng, chúng tôi tạm dừng. Còn sản phẩm nào thích nghi với hậu Covid-19 thì đẩy mạnh triển khai. Đại dịch tác động rất lớn đến thị trường bất động sản, nguồn cung có thể giảm nhưng không mất đi và bất động sản vẫn còn đó. Giống như một làn sương quét qua thành phố, không ai ra đường, không ai tiêu dùng… Mọi thứ hữu hình vẫn như vậy nhưng vô hình đã thay đổi.

Sau lễ 30/4, chúng tôi quan sát thấy nhu cầu nghỉ dưỡng biển vẫn có nhưng nhiều người vẫn e dè khi đến khách sạn. Do đó tôi tin second home hợp túi tiền vẫn là phân khúc phát triển mạnh trong tương lai. Sắp tới đây, chúng tôi sẽ giới thiệu sản phẩm second home giá hợp lý, phục vụ cho những cá nhân hay gia đình có nhu cầu nghỉ dưỡng. Ai thích du lịch thì đến ở, có biến cố thì về nghỉ ngơi, vừa an toàn vừa tốt cho sức khỏe lại gần gũi với thiên nhiên. Đây chính là điều chúng ta hay nói “trong nguy có cơ”, nhu cầu lúc nào cũng có.

Bất động sản hiện khó khăn nhưng trong khó khăn lại có cơ hội. Sau dịch mọi người gặp khó khăn, do đó doanh nghiệp phải nghĩ ra các sản phẩm để bán cho người nghèo chứ không chỉ chăm chăm bán cho người giàu. Làm sao để bán được một sản phẩm rẻ nhất có thể mà vẫn đảm bảo được các tiện ích tốt nhằm giúp nhiều người mua được đó mới thực sự là bài toán hóc búa lúc này. Bây giờ, có sản phẩm kinh doanh, lợi nhuận ít, chủ yếu là tạo công ăn việc làm cho cán bộ nhân viên là tốt rồi.

Nói về phương thức thanh toán, nếu trước đây quy định một thanh toán khác thì bây giờ chúng ta có thể áp dụng thanh toán mỗi đợt ít đi để cho người mua đủ khả năng tích lũy. Phương thức thanh toán linh hoạt cũng giúp người mua thấy được sự hợp tác, đồng cảm và chia sẻ từ chủ đầu tư.

Quan trọng nhất, chúng tôi xác định đây là lúc tất cả thành tố trong nền kinh tế cần đồng lòng, giúp nhau vượt qua khó khăn. Từ góc độ doanh nghiệp, mọi chiến lược suy cho cùng đều hướng đến khách hàng. Tất cả chúng ta đều đang trong một cái “hố” Covid-19, giải pháp là cùng hỗ trợ nhau từng bước đi lên, chứ không phải “đạp” lên nhau để trục lợi.

Ở vị trí là người điều hành một tập đoàn lớn, theo ông các doanh nghiệp đồng hành cùng khách hàng thế nào trong giai đoạn thách thức này?

Việc cần làm trong và hậu Covid là làm sao để giữ được cái đã có, cùng nương tựa vào và giàu lên. Nếu ai cũng thu nhập thấp, lấy đâu ra người mua nhà để nâng cao chất lượng sống để cho ngành Bất động sản phát triển. Tôi hay nói rằng, mọi người giàu lên thì việc kinh doanh cũng sẽ thuận lợi hơn. Chính vì vậy, chúng ta phải có trách nhiệm với cộng đồng.

Để làm được điều đó, chúng tôi triển khai các chương trình hỗ trợ trực tiếp cho khách hàng. Chẳng hạn từ 25/3 – 31/5, chúng tôi áp dụng chương trình: khách hàng thanh toán trong giai đoạn này sẽ được tặng khoản tiền mặt tương đương 5% trên tổng số tiền thanh toán. Riêng đội ngũ y bác sĩ, từ ngày 14/4 đến hết 15/5 chúng tôi áp dụng chương trình chiết khấu từ 7-10% đối với một số sản phẩm. Nhiều người bảo tôi chiêu trò, nhưng thực chất đây là tiền túi của doanh nghiệp bỏ ra để thể hiện sự hợp tác, đồng cảm và chia sẻ với khách hàng chứ không chỉ nói suông, chính điều đó khách hàng rất hoan nghênh, ủng hộ cách làm của chúng tôi.

Tương tự, chúng tôi cũng hỗ trợ giảm giá thuê mặt bằng các trung tâm thương mại tại các dự án do tập đoàn và các đơn vị thành viên làm chủ đầu tư từ 20-80%, thậm chí miễn phí tiền thuê đối với các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực giáo dục. Ai cũng đang khó khăn, tôi cũng không muốn cố thu tiền của đối tác. Các chủ doanh nghiệp lúc này đang cần sự chia sẻ và động viên.

 

 

Chia sẻ bài viết:

Facebook
Twitter
Email
Scroll to Top