Ngân hàng giảm lãi suất sâu ở nhiều kỳ hạn

Dịch COVID-19 đã và đang diễn biến phức tạp trên diện rộng, tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh và mọi mặt của đời sống kinh tế – xã hội, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Lãi suất huy động ở nhiều kỳ hạn được chỉnh giảm từ 10-30 điểm cơ bản tại các NHTM lớn. SSI hy vọng lãi suất huy  động tiếp tục đi ngang hay có thể giảm trong trường hợp NHNN nới lỏng chính sách tiền tệ. Điều này có tác dụng hỗ trợ sự phục hồi kinh tế đất nước sau đại dịch.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, sẽ công bố công khai kết quả thực hiện cam kết giảm lãi suất, giảm phí của từng ngân hàng trên các phương tiện thông tin đại chúng định kỳ hằng tháng; đồng thời sẽ tăng cường giám sát bằng nhiều biện pháp trực tiếp, gián tiếp việc thực hiện cam kết của toàn hệ thống ngân hàng thương mại và từng chi nhánh ngân hàng thương mại tại các tỉnh, thành phố.

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, trong năm 2020, lãi suất toàn hệ thống trung bình giảm khoảng 1,2-1,5%. Bảy tháng năm 2021, lãi suất giảm thêm khoảng 0,5%.


Bên cạnh giảm lãi suất, Ngân hàng Nhà nước cũng đã và đang chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai giảm các loại phí thanh toán, chuyển tiền, dịch vụ tiền tệ tín dụng khác. Ước tính tổng số phí mà các tổ chức tín dụng giảm cho khách hàng trong thời gian vừa qua khoảng 1.100 tỷ đồng. Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức trung gian thanh toán tiếp tục giảm phí tạo thuận lợi cho các ngân hàng thương mại giảm sâu các loại phí cho khách hàng.

Phó Thống đốc khẳng định: “Việc giảm suất và giảm phí này là hết sức thiết thực. Tuy nhiên, để đảm bảo việc giảm phí, giảm lãi suất một cách thực chất cũng như đảm bảo việc tiếp cận vốn lãi suất rẻ của các doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ tiếp tục tăng cường giám sát việc thực hiện các cam kết trên của các ngân hàng thương mại để làm sao từ nay đến cuối năm những cam kết này sẽ hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp”.

Nên sớm giãn nợ, hoãn trả lãi vay

Thời gian qua, câu chuyện các ngân hàng thương mại không giảm lãi suất cho vay trong bối cảnh nhiều khách hàng vay vốn bị giảm, thậm chí không có thu nhập, do giãn cách xã hội kéo dài để phòng chống dịch COVID-19 đã gây nhiều bức xúc cho dư luận. Bởi khoản nợ gốc và lãi suất phải trả hằng tháng đang trở thành gánh nặng cho nhiều gia đình. Do đó, nên ưu tiên hỗ trợ cho các khách vay gặp khó khăn và không còn nguồn trả nợ.

Nhưng tỉ lệ giảm dựa trên sự am hiểu của ngân hàng đối với từng phân khúc khách hàng, chứ không theo kiểu cào bằng. Ngoài ra cần giãn thời gian trả nợ như các ngân hàng trên thế giới đang thực hiện để giảm ngay áp lực trả nợ, tạo động lực cho khách hàng trả nợ sau thời gian được ân hạn. Chẳng hạn có thể cho phép khách vay giãn thời gian trả nợ 60 – 90 ngày với các khoản cho vay tiêu dùng và lên đến 180 ngày với các khoản cho vay mua nhà.

Trong dự thảo đang được đưa ra lấy ý kiến đóng góp, Ngân hàng Nhà nước dự kiến cho phép ngân hàng thương mại cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi và phí, giữ nguyên nhóm nợ. Đây là cơ sở để thực hiện các giải pháp này và nên áp dụng nhanh để giảm bớt khó khăn cho người vay vì dịch đã kéo dài suốt 4 – 5 tháng qua.

Mới đây nhất, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã công bố tiếp tục giảm lãi suất tiền vay trong thời gian từ 18/8/2021 đến hết 31/12/2021 đối với tất cả doanh nghiệp và cá nhân ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam hiện đang áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Đây là đợt giảm lãi suất thứ 9 của Vietcombank để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 và thiên tai tính từ đầu năm 2020 đến nay.

Cụ thể, Vietcombank tiếp tục giảm lãi suất tới 0,5%/năm cho toàn bộ dư nợ vay của khách hàng tại TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương; giảm lãi suất tới 0,3%/năm cho toàn bộ dư nợ vay của khách hàng tại các địa bàn tỉnh, thành phố phía Nam khác áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 bao gồm Đồng Nai, Cần Thơ, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre, Hậu Giang, An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, Kiên Giang.

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cũng đã thực hiện giảm tiếp 10% so với lãi suất cho vay đang áp dụng đối với dư nợ cho vay ngắn hạn có lãi suất từ 5%/năm trở lên và dư nợ cho vay trung, dài hạn có lãi suất từ 7%/năm trở lên đối với khoản vay tại thời điểm 15/7/2021. Chương trình kéo dài đến hết ngày 31/12/2021. Ước tính, với việc tiếp tục giảm lãi suất lần này, Agribank dành khoảng 5.500 tỷ đồng để hỗ trợ khách hàng.Nhiều ngân hàng khác cũng đã công bố mức giảm lãi suất phổ biến là 1%/năm cho khách hàng gặp khó khăn, áp dụng từ ngày 15/7/2021.

Khách vay kiệt quệ, ngân hàng lãi khủng là phản cảm

Việc thực hiện giãn cách xã hội diện rộng khiến hầu hết doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản, gặp rất nhiều khó khăn, mà khó khăn nhất là thiếu dòng tiền. Việc thiếu dòng tiền có thể làm cho doanh nghiệp bị “ngộp thở” do không còn tiền để trả lãi vay, trả nợ, duy trì bộ máy và hỗ trợ, giữ chân người lao động qua giai đoạn quá khó khăn này.

Trong lúc hầu hết khách vay vốn, kể cả doanh nghiệp và người dân, bị khó khăn và thua lỗ, các ngân hàng vẫn công bố lãi to, thậm chí có ngân hàng đạt mức lợi nhuận gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước, là thông tin khá phản cảm, tương phản với bức tranh chung của nền kinh tế. Do đó việc giảm lãi, gia hạn thời gian trả nợ, khoanh nợ… để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp và người dân là đạo lý kinh doanh mà các ngân hàng thương mại không thể không làm.

Theo tôi, các ngân hàng nên xem xét giảm khoảng 2%/năm với lãi suất cho vay. Điều này hoàn toàn trong tầm tay của các ngân hàng , chỉ cần ngân hàng chấp nhận chia sẻ với khách vay, thay vì để khách hàng “sống chết mặc bay” tại thời điểm hiện nay.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước nên cho phép các ngân hàng được chủ động xem xét quyết định việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi và phí, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng, bao gồm cả doanh nghiệp bất động sản, hộ gia đình, cá nhân và được áp dụng đối với số dư nợ phát sinh trong khoảng thời gian từ ngày 23-1-2020 đến ngày 30-6-2022.

Chia sẻ bài viết:

Facebook
Twitter
Email
Scroll to Top