Những khái niệm về phong thủy trong bất động sản như nhà nên ở thế đất cao, “tựa sơn – hướng thủy”, tránh xây hoặc mua bất động sản nằm cạnh chùa, miếu, bãi tha ma, ngã ba đường, đường đâm vào nhà, giếng nước… Đây đều là những kiêng kị rất phổ biến, được đông đảo người Việt Nam áp dụng.
Với nhà thổ cư, khi xây nhà, ngoài những kiêng kị kể trên, gia chủ ở Việt Nam còn quan tâm đến nhiều yếu tố phong thủy như cầu thang trong nhà phải được đặt ở cung tốt, bậc cuối của cầu thang quay về hướng tốt, tổng số bậc thang cho một tầng và toàn tòa nhà phải chia hết cho 4 dư 1 để rơi vào cung Sinh. Gia chủ đứng tên xây nhà cũng phải xem năm đó có hợp tuổi không, nếu phạm phải Kim lâu, Tam tai, Hoàng ốc thì thường sẽ phải làm lễ mượn tuổi hoặc thậm chí là dừng không xây nhà năm đó.
Với các dự án bất động sản, chủ đầu tư ở Việt Nam cũng thường xem phong thủy để được đất có vị trí tốt, và đặc biệt quan tâm hướng của tòa nhà khi xây dựng, vì hướng nhà chính là nơi nạp “khí” cho căn nhà.
1. Xác định được hướng nhà, tâm nhà
Xác định tâm nhà là bước rất quan trọng để “phân cung điểm hướng”, từ đó định ra các phương vị của ngôi nhà và bố trí các khu chức năng phù hợp.
Tâm nhà được định nghĩa là một điểm mà tại đó các lực cân bằng nhau. Do đó, tâm nhà không đơn giản chỉ là tâm của hình vuông hay hình chữ nhật mà có thể coi như cách tính tâm của miếng cứng.
Với các căn nhà khuyết góc, nhà có hình dạng phức tạp… thì phải sử dụng các phần mềm chuyên dụng để tính tâm, không tính thủ công như nhà vuông vắn. Khi xác định tâm nhà cũng chỉ tính trên phần diện tích nhà có mái che, không tính phần sân vườn hoặc phần ban công, sân thượng không có mái.
Với hướng nhà, cần lưu ý, không chỉ nhà đất thổ cư mà với cả căn hộ chung cư, hướng nhà cũng tính là hướng cửa ra vào – nơi “nạp khí” cho căn hộ. “Khí” trong phong thủy được tạo thành bởi sự vận động và tương tác của con người với căn nhà, chứ không phải những yếu tố về nắng hay gió tự nhiên. Vì vậy, hướng của căn hộ dù ở bất cứ tầng nào cũng phải tính theo hướng cửa ra vào thì mới phù hợp với nguyên lý “khai môn lập hướng” trong phong thủy.
Hướng nhà là hướng vuông góc với mặt tiền nhà theo chiều từ trong nhà nhìn ra. Nên sử dụng la bàn chuyên dụng để xác định hướng nhà và chú ý tránh các tác động của từ trường. Nên đo ở nhiều vị trí khác nhau và tổng hợp kết quả để tăng độ chính xác. Các phần mềm la bàn trên điện thoại có độ sai số rất lớn không nên sử dụng.
Ngoài ra, cũng cần lưu ý là tâm nhà chỉ tính trên phần diện tích nhà có mái che, không tính phần sân vườn hoặc phần ban công, sân thượng không có mái.
2. Cách tính cung mệnh
Cung mệnh của mỗi người sẽ giúp xác định người đó hợp với trạch nhà nào, được tính dựa vào năm sinh và trên nhiều trang web có sẵn bảng tra cứu nhưng có thể có các sai số hoặc nhầm lẫn. Vì vậy các môi giới nên nắm rõ cách tính cung mệnh như sau:
Bước 1: Xác định năm sinh âm lịch và cộng các con số trong năm sinh. Ví dụ: Người sinh năm 1986 sẽ cộng lại như sau: 1+9+8+6 = 24
Bước 2: Cộng các con số của kết quả đến khi được số có 1 chữ số: 2 + 4 = 6.
Bước 3:
+ Nếu là Nam lấy 11- (số có 1 chữ số vừa tính được ở bước 2) = X
+ Nếu là Nữ lấy 15 – X = Y
Sau khi tìm được X hoặc Y, tra thông số trong đồ hình Lạc Thư để biết người đó phi cung gì và thuộc Đông tứ mệnh hay Tây tứ mệnh.
3. Nguyên tắc “nhất vị nhị hướng”
Yếu tố Hướng theo quan điểm của Bát trạch là quan trọng. Tuy nhiên về đại cục, yếu tố về vị trí, về địa điểm là yếu tố hàng đầu.
Vị trí của công trình phải đặt lên hàng đầu, sau đó mới tính đến hướng theo Bát trạch. Đối với nhà đất thổ cư ưu tiên vị trí xem công trình có vượng khí không. Kế đến là cấu trúc, hình thể của công trình. Hướng xấu có thể hóa giải được theo nguyên tắc “đa cát thắng tiểu hung”.
4. Nhận biết và cách hóa giải một số thế sát thường gặp
Theo Bát quái, ngôi nhà được phân ra làm 8 phương vị đại diện cho các thành viên gia đình và các mặt trong đời sống của gia chủ. Nhà khuyết góc quá nhiều hoặc nhà vừa khuyết góc vừa thóp hậu thì tốt nhất không nên lựa chọn.
Nhà khuyết góc tạo ra nhiều góc cạnh gây sát khí không tốt. Ngoài ra nhà khuyết cung nào sẽ ảnh hưởng đến từng mặt cụ thể, chẳng hạn cung Đông Nam ảnh hưởng đến tài chính, cung Bắc ảnh hưởng đến quan lộc, cung Tây ảnh hưởng đến con cái…
Một số thế sát thường gặp với nhà ở thổ cư:
– Thương sát: chỉ những ngôi nhà bị đường đâm thẳng vào. Ở trong những ngôi nhà này, gia chủ dễ ảnh hưởng đến sức khỏe, dễ có tai nạn thương tật
Hóa giải: Tạo khoảng đệm (sân vườn phía trước), thiết kế tiểu cảnh nước hoặc treo gương cầu lồi, trồng cây xanh để điều tiết bớt dòng khí.
Tuy nhiên khi xem xét định vị ngôi nhà có phạm thương sát hay không cần dựa vào độ dài ngắn, lưu lượng đi lại trên con đường, tương quan giữa độ lớn của con đường và tòa nhà để luận tốt xấu.
– Xung bối sát: chỉ những ngôi nhà bị đường đâm phía sau lưng. Nếu sống trong ngôi nhà này, gia chủ nhà dễ gặp họa tiểu nhân.
Hóa giải: Tạo khoảng đệm (sân vườn phía sau) hoặc treo gương cầu lồi trồng cây xanh để che chắn.
– Cắt cước sát: chỉ những ngôi nhà nằm ở vị trí quá gần xa lộ, cao tốc. Sống ở đây, chủ nhà hay thay đổi bất định, tàn vận trồi sụt thất thường, tiền bạc đến rồi đi không giữ được.
Hóa giải: Thiết kế một khoảng đệm phía trước nhà. Nếu là nhà tầng, nên để trống toàn bộ tầng 1 làm khoảng đệm.
– Liêm đao sát: chỉ những ngôi nhà bị con đường hay dòng sông uốn lượn có phần phản cung hướng về phía nhà giống như lưỡi đao chém tới. Sống ở những ngôi nhà này gia chủ nhà dễ bị thương tật.
Hóa giải: Phía trước nhà nên trồng thêm cây xanh che chắn. Treo thêm gương cầu lồi
– Đao trảm sát: chỉ những ngôi nhà bị con đường giống như đao chém tới (hình chữ L ngược). Sống trong nhà này, chủ nhà dễ gặp tổn hại về người.
Hóa giải: Phía trước nhà nên trồng thêm cây xanh che chắn. Treo thêm gương cầu lồi.
– Thiên trảm sát: chỉ ngôi nhà đối diện với khoảng trống do hai căn nhà phía trước tạo ra. Chủ nhân những ngôi nhà này dễ bị bệnh tật, tiền bạc không giữ được.
Hóa giải: Treo gương cầu lồi hoặc trồng cây ở vị trí khe hở chiếu vào nhà để hóa giải. Nếu được nên thiết kế cửa chính tránh đối trực diện với khe hở.
– Độc âm sát: chỉ những ngôi nhà quá gần nghĩa trang, bệnh viện, nhà tang lễ. Người sống trong những ngôi nhà này tính cách dễ cô độc, khí vận kém, ngủ hay nằm mơ.
Hóa giải: Nên trồng thêm cây tre trúc vì loại cây này có nhiều khí dương, giúp hấp thụ khí âm. Ngoài ra gia chủ có thể nuôi thêm chó cảnh, chim cảnh… cũng giúp tăng cường dương khí.